Em chào thầy Trường,
Em là một người học, làm và đang nếm trải những ngọt bùi và trái đắng của nghề quản trị, thêm một tí máu của chủ doanh nghiệp trong suốt 9 năm qua. Em đã đọc và được nghe thầy chia sẻ trong buổi sáng buổi ra mắt sách Cơn lốc quản trị. Em rất cảm ơn thầy đã dành thời gian và tâm huyết để viết ra cuốn sách này, là sự yêu thương, là chiêm nghiệm đến từ Thầy – người lãnh đạo của tập đoàn tỉ đô, người làm thuê cao cấp, hoàn toàn khác xa đại đa số doanh nghiệp lẫn trình độ lao động tại Việt Nam.
Em xin phép luận bàn vài điều bằng góc độ cá nhân em về cuốn sách của thầy, mong rằng những dòng này sẽ đến được với thầy, và có ích cho những ai quan tâm.
Văn hoá lãnh đạo
Cuốn sách đề cập đến văn hoá của lãnh đạo. Em rất đồng ý rằng đối với đại đa số doanh nghiệp Việt Nam đến lúc này, việc xây dựng văn hoá dựa trên lãnh đạo có nhiều tích cực. Nó hiện thực, nó dễ làm, có sẵn chất liệu, miễn phí và vô cùng hữu hiệu. Nhưng em cũng có một số điều muốn chia sẻ với thầy:
- Em là lãnh đạo, em có lúc đúng, lúc sai, có lúc xấu tính, có lúc đáng yêu dễ gần, đối với mọi trường hợp, sự đạo đức không chỉ có đúng hoặc sai, bản thân em cũng không vỗ ngực cho rằng mình hoàn toàn đạo đức. Và em không thể hồn nhiên, hay bình đẳng. SME mà, miếng bánh nhỏ, chỉ có thể chia cho người làm khoẻ – ăn nhiều hơn chút. Và cả khi em tự tin mình “đạo đức”, văn hoá mình “tốt đẹp”, nhưng chưa một ngày nào em mong xây ra một doanh nghiệp với văn hoá đi ra từ em cả. Cá nhân em tin rằng: văn hoá lãnh đạo, không phải là văn hoá doanh nghiệp. Hãy tách bạch và hãy giúp các doanh nghiệp thực sự nghĩ về bền vững, hãy làm tốt việc tách bạch văn hoá lãnh đạo ra khỏi văn hoá doanh nghiệp.
- Em nghĩ rằng văn hoá doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào lãnh đạo mà còn phụ thuộc vào những yếu tố khác như: sứ mệnh, giá trị cốt lõi, định hướng chiến lược, đặc điểm ngành nghề, đối tượng khách hàng, đối tượng nhân viên, vị trí cạnh tranh, văn hoá xã hội… Em mong muốn cuốn sách có thể đi sâu hơn vào những yếu tố này để giúp các doanh nghiệp SME có cái nhìn toàn diện. xuất phát từ tình thương yêu và cải thiện hơn về văn hoá của mình. Hoặc đối với những người đọc sách của thầy, họ được chỉ dẫn rõ ràng hơn việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp, xuất phát từ tình thương yêu chứ không chỉ bằng tình thương yêu.
- Trong một môi trường rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn làm việc tại nhà, làm việc hybrid, làm việc xuyên biên giới, đó là một môi trường năng động, biến động, cạnh tranh cao, doanh nghiệp cần có một văn hoá linh hoạt, thích ứng, hợp tác, chia sẻ, tôn trọng và khuyến khích sự đóng góp của mọi thành viên. Là khi mà vai trò người lãnh đạo sẽ phải đứng sau bộ máy vận hành. Em mong rằng thầy có thể chia sẻ thêm về cách xây dựng và duy trì một văn hoá là một lãnh đạo với nhiệm kỳ vài năm có thể thực hiện cho doanh nghiệp đó.
Văn hoá báo cáo
Cuốn sách cũng nói về văn hoá báo cáo. Em đồng ý rằng đó là một yếu tố quan trọng để trong suốt thông tin, để một nhân sự nào đó nhìn vào một vấn đề, họ đều được nhìn một cách trong suốt. Nhưng em cũng có một số góp ý:
- Khi mà lượng thông tin quá nhiều, đối với một vài tổ chức sẽ quy nạp đó là thông tin rác. Nếu một doanh nghiệp vận hành bằng sự yêu thương, sau đó là một mớ thông tin hỗn độn chạy khắp nơi, ai cũng có thể báo cáo, ai cũng đưa ý kiến, giữa người lương 5 triệu và người lương 100 triệu, báo cáo sẽ ở chất lương khac nhau, ắt sẽ loạn mất ạ.
- Em mong rằng, chúng ta có thể nói nhiều hơn về văn hoá dữ liệu và thông tin trong doanh nghiệp, thay vì chỉ xem nó là văn hoá báo cáo. Báo cáo tạo ra dữ liệu. Nhưng dữ liệu không phải là thông tin. Thông tin là dữ liệu được xử lý, phân tích, trình bày theo một cách có ý nghĩa và có giá trị cho người nhận. Em mong muốn cuốn sách có thể giới thiệu những công cụ, phương pháp và kỹ năng để xử lý dữ liệu thành thông tin hiệu quả.
- Để nói về việc recap sau cuộc họp, em có một bài viết tại [đây]. Con người đã không cần recap nếu tận dụng công nghệ nữa rồi.
Để nói về báo cáo, bản thân em đã tận dụng được công nghệ dữ liệu để nhận báo cáo real-time về mọi mắc xích trong doanh nghiệp. Nên là, thay vì là văn hoá báo cáo, xin hãy là văn hoá dữ liệu – hệ thống – thông tin trong doanh nghiệp.
Đây là những suy nghĩ của em sau khi đọc cuốn sách Cơn lốc quản trị của thầy. Em hy vọng rằng sẽ có cơ hội được gặp và trao đổi trực tiếp với thầy về những chủ đề này. Em xin chân thành cảm ơn thầy đã viết ra cuốn sách này và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của thầy.
Trong hành trang trên con đường quản trị mà mình lựa chọn, em gọi thầy một tiếng thầy, vì trong sự cô đơn, em có thầy là tri kỉ qua các trang sách. Em đang trưởng thành, và em mong thầy khoẻ mạnh đợi em gặp thầy trong niềm hạnh phúc, không phải là như tình trạng hiện tại.
Thương thầy,