Đừng lầm tưởng việc chọn người kế nhiệm – chọn lãnh đạo và chọn người kế nghiệm lãnh đạo. Kể cả là vị trí nào, đó cũng là một thách thức lớn đối với một doanh nghiệp và tổ chức. Chọn một người thích hợp, là yếu tố cực kỳ quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của tổ chức trong tương lai.
Bài viết này đứng trên góc nhìn kế nhiệm cấp phòng ban – cấp doanh nghiệp nhỏ, không thể đủ năng lực đánh giá những thứ to tát hơn.
Tôi hoàn toàn đồng ý rằng xuất phát điểm chỉ là một trong những yếu tố quan trọng trong sự nghiệp của mỗi người. Ngày nay, những lãnh đạo cần phải có những kỹ năng và phẩm chất khác để thành công và tạo ra văn hóa tích cực cho tổ chức. Vì thế mà, ngoài việc lựa chọn một ứng viên có năng lực, kinh nghiệm phù hợp, điều quan trọng, người kế nhiệm phải tôn trọng giá trị và tôn chỉ của tổ chức, có khả năng làm việc với đội ngũ nhân viên và khách hàng, và có thể tạo ra mối quan hệ đối tác tốt với các đối tác khác.
Trong sự nghiệp của mình, tôi luôn coi trọng đạo đức khi chọn người cho các vị trí quan trọng. Tôi tin rằng đạo đức là nền tảng để xây dựng lòng tin và hợp tác giữa các thành viên trong tổ chức. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng có những lần chủ quan và không kiểm tra kỹ lưỡng, bản thân phải trả giá đắt cho những lần “chọn sai”. Tôi đã rút ra được bài học quý giá từ những sai lầm này.
Điều đó không có nghĩa là tôi sẽ trở nên hoài nghi và mất niềm tin vào cộng sự. Tôi vẫn sống theo giá trị cốt lõi của mình và không để cho những điều tiêu cực ảnh hưởng đến quan điểm. Tôi không muốn bị “đánh bại” bởi những người thiếu đạo đức. Tại sao tôi phải thay đổi bản thân mình chỉ vì họ? Tại sao tôi phải làm điều sai khi họ đã sai với tôi?
Tuy nhiên, việc chọn người dựa vào đạo đức không phải là một quyết định dễ dàng. Và đó là lúc bạn cần phải có một hệ thống kiểm tra và xác minh đúng đắn. Bạn cần phải có những câu hỏi sâu sắc để khám phá được giá trị đạo đức và phẩm chất của từng ứng cử viên. Bạn cũng cần “thời gian”.
Đồng thời, cần phải tránh chủ quan và đánh giá người khác dựa trên những đặc tính ngoại lai như: giới tính, vùng miền, bằng đại học lớn, học ở nước ngoài, gia đình họ hàng tử tế… Bạn chỉ nên xem xét liệu họ có tuân theo các nguyên tắc và chuẩn mực chung của tổ chức hay không.
Tôi hy vọng bạn đã hiểu được ý kiến của tôi về việc chọn người để kế nhiệm – để lãnh đạo – hay chọn người kế nghiệm có thể lãnh đạo dựa vào các yếu tố: xuất phát điểm – bằng cấp – kinh nghiệm hay đạo đức theo cách như thế nào.
- Đạo đức – Giá trị cốt lõi làm trọng tâm
- Hiểu “điểm xuất phát” để hiểu nền móng của Đạo đức
- Trust but verified – Đã tự dặn dò mình từ lâu nhưng vẫn SAI
- Không để những đặc tính ngoại lai ảnh hưởng quyết định
Huyền Siêu Nhân – Kỉ niệm một ngày tháng 6/2022 cần quên