Văn hóa chụp màn hình ngày càng phổ biến. Nhiều người có thói quen chụp lại những cuộc trò chuyện riêng tư trên các ứng dụng hẹn hò, và đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, hay TikTok. Có lẽ không ai có ý định xấu, nhưng khi mọi người quá quen với việc chụp màn hình, đến mức quên rằng – đây là một hành vi không đúng đắn và thiếu trách nhiệm, bởi vì nó xâm phạm quyền riêng tư của người khác, nó có thể gây ra những tổn thương sâu sắc cho người trao đổi thông tin, lẫn người nhận thông tin không có trực tiếp trong cuộc hội thoại.
Trong môi trường doanh nghiệp, văn hóa chụp màn hình cũng có thể gây ra những rắc rối lớn. Chính bản thân mình cũng nhiều lần screenshot màn hình và gặp rắc rối sau đó, kể cả khi chính mình cũng tự đặt ra những nguyên tắc:
- Chỉ screenshot điều tích cực, và truyền tải điều tích cực
- Khi tranh luận, và có đủ mặt các thành viên liên quan.
Dù ở ý niệm tốt đẹp nào. Điều này vô hình dung trở thành điều được cho phép trong doanh nghiệp. Nhân viên có thể chụp lại những cuộc trò chuyện riêng tư với đồng nghiệp, sếp, hay khách hàng, và chia sẻ với những người khác. Họ có thể làm điều này vì tò mò, vì muốn bàn luận, hay vì muốn chỉ trích hay phê bình người khác. Tuy nhiên, hành động này có thể làm giảm lòng tin giữa các bên liên quan, gây ra những hiểu lầm và xung đột, và làm giảm hiệu quả công việc.
Với những điều đã trải qua, mình đề xuất các doanh nghiệp nên có những chính sách và quy định rõ ràng về việc chụp màn hình và chia sẻ thông tin riêng tư ngay từ giai đoạn onboarding với nhân viên mới, nhắc nhở nhân viên về ý thức trách nhiệm và tôn trọng quyền riêng tư của người khác một cách thường xuyên. Việc xây dựng một văn hóa công ty trong sạch, nơi mà mọi người có thể giao tiếp và hợp tác với nhau một cách cởi mở và trung thực, sẽ giảm thiểu được nhiều khúc mắc trong quá trình làm việc, và kể cả sau khi nhân viên nghỉ việc.