Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa biết sẽ có những chuyển biến như thế nào, nền kinh tế toàn cầu chịu nhiều tổn thất nặng nề với hàng loạt ngành nghề bị ảnh hưởng. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm dẫn đến hàng ngàn doanh nghiệp phá sản. Ở Việt Nam, tình hình cũng vô cùng khó khăn khi hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động.
Những công việc đang bị ảnh hưởng trong đại dịch là dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh đó, các vị trí trong lĩnh vực tiếp thị, truyền thông, tài chính, bán lẻ cũng dễ bị cắt giảm. Riêng tại Việt Nam, các ngành sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là may mặc, da giày, chế biến thủy hải sản với hàng ngàn lao động đang phải nghỉ việc, giãn cách không lương.
Công ty mình hoạt động chưa tới 30 nhân sự, nhìn đi nhìn lại khủng hoảng mà Sài Gòn đang gánh chịu, mình không dám đòi hỏi mình được tốt hơn bây giờ, vì đã quá tốt rồi.
Thực trạng cách thức cắt giảm nhân sự thiếu nhân văn
Trong tình huống khó khăn, việc cắt giảm nhân sự là bước đi tất yếu để doanh nghiệp ổn định tài chính. Trong một chủ đề cực kỳ nhạy cảm, quỹ lương dự phòng đã phải sử dụng và vẫn phải duy trì bảo hiểm, liệu sẽ còn bao nhiêu tháng cho một doanh nghiệp kịp phục hồi, và nếu cắt giảm thì chi phí đền bù cho người lao động vẫn sẽ là đòn giáng cực lớn với doanh nghiệp. Nhiều người nói về vấn đề nhân văn, nhưng nhân văn không giúp có thêm tiền.
Một số doanh nghiệp có cách thức thông báo sa thải nhân viên qua thư điện tử, thông báo trên mạng xã hội. Lý do cắt giảm chỉ đưa ra sơ sài mà không giải thích rõ ràng. Doanh nghiệp cũng không có chính sách hỗ trợ thêm cho nhân viên bị mất việc. Điều này khiến người lao động rơi vào tình trạng mất việc đột ngột, hoang mang và mất niềm tin. Họ không được chuẩn bị tâm lý, không có thời gian tìm kiếm công việc mới. Văn hóa và uy tín của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cách tiến hành cắt giảm nhân sự đảm bảo nhân văn
Khi viết bài này, mình không thể đảm bảo tròn vai khi vừa là người sống nhân văn, đạo đức, hoặc là một người được học kỹ lưỡng về luật lao động, nguyên tắc quản trị. Công ty mình cũng chỉ là một SME, quỹ lương dự phòng có thì cũng vài tháng, nói đạo đức cũng được vài tháng nếu kinh tế Sài Gòn chưa được mở cửa trở lại. Nếu phải cân bằng giữa sự sống còn doanh nghiệp, và đạo đức lãnh đạo, thì lúc này, mình thật lòng không có câu trả lời quyết định. Thôi thì hãy nói đến những thứ đạo đức và kiến thức mà chúng ta đã được dạy qua. Muốn đảm bảo tính nhân văn cho người lao động, doanh nghiệp cần có quy trình cắt giảm nhân sự khoa học, chu đáo bao gồm:
- Xây dựng kế hoạch cắt giảm, dự tính các kịch bản có thể xảy ra.
- Thông báo sớm và thường xuyên cho nhân viên về tình hình hoạt động của công ty. Tạo sự tin tưởng và đồng cảm với nhân viên.
- Thông báo trực tiếp với nhân viên bị ảnh hưởng, tránh hình thức gián tiếp như email, điện thoại.
- Giải thích cặn kẽ lý do cắt giảm, diễn biến của quá trình này. Để nhân viên có thời gian tiếp nhận thông tin.
- Có chính sách hỗ trợ thỏa đáng sau khi cho thôi việc như trợ cấp thất nghiệp, giới thiệu việc làm mới…
Ý nghĩa nhân văn của cách tiến hành cắt giảm đúng cách
- Việc cắt giảm nhân sự đúng cách thể hiện trách nhiệm và văn hóa doanh nghiệp với nhân viên. Người lao động được đối xử tôn trọng, không ai bị xem là vật hy sinh.
- Xây dựng mối quan hệ tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau giữa doanh nghiệp và người lao động. Điều này rất cần thiết để vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.
- Giữ chân được nhân tài, nguồn lực quan trọng nhất cho sự phục hồi nhanh chóng của doanh nghiệp sau khủng hoảng.
- Giúp doanh nghiệp duy trì hình ảnh, uy tín tốt trong mắt khách hàng, đối tác và cộng đồng.
Thách thức lớn nhất của các nhà quản trị ở thời đại mà mình đang sống, là phải đảm bảo tính nhân văn khi tiến hành cắt giảm nhân sự trong đại dịch COVID-19. Thật khó để nói lên câu: “Thay vì chỉ nhìn vào lợi ích kinh tế trước mắt, doanh nghiệp cần xem việc làm của người lao động là tài sản quý giá.”, vì thật tình đối với các chủ doanh nghiệp SME như mình, hay là vài bạn bè anh chị khác, với cục diện này, làm sao có thể nói một cách mạnh dạn được nữa.
Rốt cuộc thì, chỉ mong mình đối xử tử tế và tôn trọng nhân viên trong hoàn cảnh khó khăn, để họ có thể hiểu được một phần nào các quyết định của mình. Và nếu không có gì xấu xẩy ra, điều này giúp củng cố niềm tin, xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhân văn và vững vàng vượt qua khủng hoảng.